Nhớ hồi bé,lâu lâu tôi nhõng nhẽo đòi má cho uống nước cơm sôi. Má lụm cụm vo sơ gạo trong cái nồi xi kên, cho khá nhiều nước lạnh vào trước khi bắc lên bếp lửa.
Cơm sôi lụp bụp đội nắp vung, má hai tay cầm giẻ bếp, nghiêng miệng nồi vào cái tô để chắt nước cơm. Sau đó, má đặt nồi cơm lên bếp, giở nắp vung, dùng đũa bếp xơ cơm. Đậy nắp vung xong, má cho vào tô nước cơm sôi lượng đường cát vàng vừa đủ ngọt, tôi húp một cách khoái trá
|
Nước cơm sôi, gợi nhớ một thời nuôi tôi khôn lớn.
Nhìn tôi húp nước cơm sôi một cách hả hê, má tôi cười, mắng: “Tổ cha mầy!”. Rồi má nhắc chuyện “đời xưa” mà tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần những khi được uống nước cơm sôi. Rằng, hồi tôi chào đời là lúc kinh tế cả nước trong cơn thắt ngặt mà người ta gọi là thời “bao cấp”. Bấy giờ người dân được nhà nước phân phối từ cây kim sợi chỉ đến những mặt hàng thiết yếu theo định lượng ít ỏi. Sữa bò là món hàng “xa xỉ”. Nhà nghèo, không đủ tiền mua sữa, nội tôi phải chắt nước cơm sôi pha đường, giặm thêm chút muối đút tôi uống. Tôi lớn lên theo thời gian với nước cơm sôi pha đường.
Không cả sữa bò, chỉ với nước cơm sôi pha chút đường mà tôi lớn phổng phao, thế mới ngộ. Ai cũng khen tôi đẹp trai. Không biết có phải vì uống quá nhiều nước cơm sôi mà trong tôi lúc nào cũng thòm thèm chất nước hơi sệt béo ngọt kia? Bẵng đi một thời gian, khi đã lớn, với việc đi học xa nhà; sau này lại làm việc nơi cơ quan cùng bao nhiêu phức tạp trong đời sống, vẫn không làm sao xóa nhòa chất nước “linh diệu” kia trong tôi. Tôi vẫn thèm!
Ngày nay, cuộc sống ồn ào, náo nhiệt, cuốn theo vòng xoáy thời gian với bao nỗi lo toan cơm áo, gạo tiền…, chính vì thế nồi cơm điện luôn hiện hữu trong tất cả gia đình bởi tính tiện lợi của nó. Bao năm về lại quê nhà, hình bóng người mẹ già cặm cụi chắt chiu từng giọt nước cơm nuôi con khôn lớn ngày nào, giờ đây vẫn không phai mờ trong tôi...
|
0 nhận xét: