Cho đến bây giờ mấy ai còn nhớ được chính xác là bánh phồng đã ra đời từ lúc nào và tại sao nó chỉ hiện diện vào dịp Tết cổ truyền của dân Miền Tây. Người ta chỉ nhớ lại rằng khi hoa ô môi điểm hồng ven những dòng sông, cùng với tiếng con bìm bịp kêu nước lớn từng hồi, những cây mai đã lặt trụi lá chuẩn bị cho mùa xuân, là nhà nhà đều tranh thủ thời gian lựa chọn giống gạo nếp thật ngon, thật dẻo để làm bánh phồng ăn Tết…
Ở miền quê yên tĩnh, người nông dân ngủ khi gà lên chuồng và cũng thức giấc khi gà gáy canh tư. nhà bên này gọi nhà bên kia, để hẹn cùng nhau bắt chung nhịp chày quết bánh phồng hòa thành điệu nhạc nhịp nhàng trong đêm về sáng, âm thanh gần gũi thân thương đó đã đi vào tâm thức mọi người không bao giờ quên.
Ở miền sông nước thường có lệ hùn hạp, đổi công, mỗi nhà thay phiên nhau quết bánh. Cánh thanh niên thì lãnh nhiệm vụ cầm chày, cánh phụ nữ thì đảo bánh. Chày vừa rút lên là các chị dùng tay nhúng nước cốt dừa có pha đường đảo bánh. Các bà mẹ lo xửng để bánh, các chị viên bột bánh tròn bằng trái quýt hồng, rồi cán cho đều tay, mỏng đều, to bằng cái mâm nhỏ, lũ trẻ đem phơi bánh phồng ở ngoài nắng.
Cũng xin nói thêm rằng từ trong những nét sinh hoạt đậm chất văn hóa này cũng là dịp để cho các chàng trai, cô gái trong xóm “để mắt” chọn người bạn đời của mình. Bao nhiêu gia đình hạnh phúc con đàn cháu đống bắt nguồn từ bếp lửa quết bánh phồng chốn thôn quê!
Những ngày giáp Tết khí trời se se lạnh, do vậy, bọn trẻ rất thích thú được ngồi quanh đống lửa để chờ xem các mẹ, các chị nướng bánh phồng. Trong đêm 30 Tết, khi mọi người chuyện vãng vui vẻ bên ngọn lửa rơm nướng bánh phồng bằng cái gấp tre, là biết sắp đến giờ đón giao thừa. Bánh phồng là món truyền thống không thể thiếu trong lễ vật cúng giao thừa, nướng bánh vừa xong là tới giao thừa để bánh còn giòn. Bánh phồng còn là quà lì xì cho trẻ con ngày Tết, dạo ấy có lẽ vì nghèo nên ít ai lì xì cho trẻ con bằng tiền.
Những ngày Tết, bên những cái bánh phồng, ly trà, các lão nông thường hay ngồi lại với nhau bàn tính chuyện đồng án, mùa nàng. Hương vị của bánh phồng thơm ngon cùng với tách trà đậm đà quyện chặt lại với nhau và cứ thế tình làng, nghĩa xóm ngày càng thêm gắn bó.
Ngày tết, mâm cơm cúng ông bà ở quê thường có dĩa bánh phồng – như món nguồn cội. Dĩa bánh thật to, tròn đầy như sự ước mong đầy đủ, viên mãn, cầu xin cho những mùa lúa trúng tràn đồng.
Những đứa con xa quê khó mà quên được tiếng chày quết bánh phồng mùa giáp tết. Tiếng bình bịch vang đều khắp cả xóm từ sáng tinh mơ. Tiếng chày âm âm trong giấc chiêm bao tuổi thơ và vang mãi trong nỗi nhớ của những người xa …quê…
0 nhận xét: